Sản xuất gạch không nung từ tro xỉ - nguồn nguyên liệu tiềm năng cho ngành vật liệu xây dựng

Sản xuất gạch không nung từ tro xỉ - nguồn nguyên liệu tiềm năng cho ngành vật liệu xây dựng

28/08/2018

Khối lượng chất thải tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than (NĐT) chưa được chế biến, xứ lý hàng năm tồn đọng tại các bãi chứa ước tính trên 25 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu nguồn nguyên liệu truyền thống cho ngành xây dựng ngày càng khan hiếm cũng như gây tác động xấu tới môi trường sống cộng đồng. Theo các chuyên gia, tro xỉ chính là nguồn nguyên liệu tiềm năng, mở lối cho việc phát triển gạch không nung (GKN), không chỉ trong ngành vật liệu xây dựng, thân thiện với môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sử dụng.

Phần lớn các đại biểu tham dự Hội thảo đều đồng thống nhất việc đẩy mạnh hoạt động chế biến tro xỉ trở thành nguồn nguyên liệu tiềm năng sản xuất GKN.

Nguồn nguyên liệu dồi dào từ tro xỉ
Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công thương, đến năm 2030 sẽ có 46 nhà máy NĐT đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế đạt 41.500 MW, trong đó bao gồm 25 nhà máy sử dụng than nội địa với công suất 18.470 MW và 21 nhà máy sử dụng than nhập với công suất 22.780 MW.
Vậy làm thế nào để có thể xử lý, chế biến số lượng tro xỉ tồn trữ tại các bãi chứa cũng như lượng tro, xỉ phát sinh thực tế hàng năm đã và đang là bài toán cần phải có lời giải phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo “Quản lý, vận chuyển, xử lý, tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện một cách bền vững và thân thiện môi trường” do Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương tổ chức tại Quảng Ninh vừa diễn ra ngày 20/4.  Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp Phạm Trọng Thực cho rằng, các nhà máy NĐT hàng năm thải ra môi trường số chất thải tương đối lớn. Hiện nay có 23 nhà máy NĐT đang được vận hành với lượng than tiêu thụ khoảng 41 triệu tấn/năm, trong đó lượng tro xỉ phát sinh thực tế hàng năm khoảng 12,2 triệu tấn/năm và lượng tro, xỉ tồn trữ tại các bãi chứa của 23 nhà máy NĐT chiếm khoảng 25,2 triệu tấn, trong đó, chủ yếu tập trung tại khu vực miền Bắc (chiếm 60%), miền Trung (chiếm 21%) và miền Nam (chiếm 19%).
Số lượng chất thải tro xỉ hiện nay đang được sử dụng chủ yếu vào 04 mục đích như: làm nguyên liệu trực tiếp cho các nhà máy sản xuất xi măng; làm nguyên liệu sản xuất GKN; làm nguyên liệu sản xuất gạch nung và làm phụ gia bê tông. Bên cạnh đó, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung từ năm 2010 với nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí thuê đất,… nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ gạch không nung.
Mặc dù hoạt động sản xuất, tiêu thụ GKN thời gian qua đã tăng nhiều so với trước đây, tuy nhiên theo ông Thực, việc tiêu thụ tro xỉ phụ thuộc vào nhiều yếu tố gồm: công nghệ lò hơi, phụ thuộc vào từng loại than, đặc biệt là thói quen tiêu dùng, thị trường tiêu thụ các sản phẩm tro, xỉ,… dẫn đến hoạt động xử lý, chế biến chất thải tro xỉ chưa được như mong muốn.
“Quyết định số 1696/QĐ-TTg quy định “đến năm 2020, chỉ cấp bãi thải tro xỉ cho các dự án nhiệt điện, hóa chất, phân bón với diện tích chứa tro xỉ tối đa cho 02 năm sản xuất phù hợp với quy mô, công suất của dự án” đã gây áp lực rất lớn đối với một số chủ dự án của 23 nhà máy NĐT hiện nay trong việc báo cáo tác động môi trường, phê duyệt thiết kế bãi thải tro, xỉ với dung lượng lớn” ông Thực cho hay.
Đẩy mạnh chế biến tro xỉ
Với mong muốn xử lý, chế biến tro xỉ trở mở ra hướng mới trong phát triển ngành vật liệu xây dựng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh Tuyền Group Vũ Thanh Tuyền cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là thị trường vẫn quen sử dụng gạch truyền thống (gạch đỏ), do đó việc phát triển, tiêu thụ vật liệu xây không nung, trong đó có GKN còn gặp nhiều khó khăn. Cùng đó, giá thành sản xuất GKN cao cộng thêm chi phí vận chuyển nguyên vật liệu đến nơi sản xuất, tiệu thụ dẫn đến khó có thể hạ giá thành nhiều so với gạch đỏ.


Click xem kích thước thật của ảnh

Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp Trần Văn Lượng phát biểu tại Hội thảo
 

Ngoài một số rào cản pháp lý, cơ chế chính sách, DN gặp phải là công nghệ sản xuất GKN từ tro, xỉ phần lớn chủ yếu từ Trung Quốc, trong khi công nghệ của các nước tiên tiến khác đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn. Đồng thời, việc đưa sản phẩm ra thị trường cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu các chứng nhận tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của các cơ quan nhà nước,...
“Chúng tôi rất cần các chính sách phù hợp để hỗ trợ các DN sản xuất GKN như thuế, lãi xuất ưu đãi từ Ngân hàng,… đặc biệt là tạo được “sân chơi” cho DN sản xuất GKN từ phía các cơ quan quản lý nhà nước” ông Tuyền bày tỏ.
Ngoài những vướng mắc trên, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro xỉ trong sản xuất GKN và sử dụng trong các công trình xây dựng; các văn bản pháp lý về quản lý chưa phù hợp với thực tế cung cấp, vận chuyển, sử dụng tro xỉ; việc thị trường quen sử dụng gạch đỏ; giá thành gạch không nung cao và thiếu các chính sách hỗ trợ DN sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ… là những nguyên nhân được nêu ra tại Hội thảo.


Click xem kích thước thật của ảnh
Sản xuất GKN hai lỗ tại Công ty CP Thanh Tuyền Group.
 

Từ thực tế trên, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Đông Triều – TKV Nguyễn Văn Kỳ cho biết, mỗi năm Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê tiêu thụ khoảng 1,6 triệu tấn than và thải ra khoảng 650 ngàn tấn tro xỉ, chỉ có khoảng 17% lượng tro xỉ của nhà máy này chỉ được sử dụng sản xuất GKN và làm phụ gia xi măng. Do đó, công tác phối hợp trong việc tiêu thụ, xử lý tro xỉ giữa Nhà máy và Công ty CP Thanh Tuyền Group đã giảm áp lực bãi tro xỉ trong khi vẫn đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. “Từ tro xỉ của Nhà máy, Công ty CP Thanh Tuyền Group đã có thể sản xuất các sản phẩm có ích cho xã hội như: gạch, ngói không nung mang lại hiệu quả kinh tế cho DN cũng như người tiêu dùng” ông Kỳ chia sẻ.
Cũng tại Hội thảo, đại diện Viện Nghiên cứu ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới, PGS. TS. Bạch Đình Thiên cho rằng, nếu xử lý tốt tro xỉ, hàng năm có thể tiết kiệm hàng chục triệu tấn khoáng sản, hàng trăm ha diện tích làm bãi chứa và quan trọng hơn là xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường chất thải rắn từ các nhà máy NĐT, đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Vì vậy, các bộ, ngành cần phối hợp thực hiện có hiệu quả Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, GKN trong các công trình xây dựng.
Đánh giá về hướng phát triển, chế biến, xử lý tro xỉ trở thành nguồn nguyên liệu cho sản xuất GKN, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp Trần Văn Lượng cho hay, tro xỉ không thể là chất phế thải mà cần tiếp tục được ứng dụng với công nghệ mới để tạo ra nguồn nguyên liệu tiềm năng cho ngành vật liệu xây dựng. Đưa giải pháp, ông Lượng đề nghị cần sớm sửa đổi Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng: loại bỏ giấy phép “Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường” để các DN sản xuất GKN từ tro xỉ dễ dàng tiếp cận và tái chế tro, xỉ từ các Nhà máy nhiệt điện. Đồng thời, Cục sẽ phối hợp với các Tập đoàn, Tổng công ty đôn đốc các Chủ cơ sở phát thải tro xỉ có kế hoạch sử dụng tro, xỉ một cách bền vững để đảm bảo vận hành an toàn các nhà máy NĐT phục vụ phát điện đảm bảo an ninh, năng lượng và an toàn hệ thống điện quốc gia.
Bên cạnh đó, ông Lượng cũng nhấn mạnh các yêu cầu về môi trường như: khói thải, khí thải, nồng độ bụi trong không khí và nước thải từ các nhà máy NĐT; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, văn bản pháp lý liên quan,… sẽ tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ GKN trong thời gian tới.

Tags :

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hotline: 0907207555

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

product-image

Số lượng:

Tổng tiền:

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

Phí vận chuyển: Tính khi thanh toán

Tổng tiền thanh toán: